Cước gửi bưu ảnh giai đoạn hoàng kim 1889-1917


Trong bài này, tôi lấy mốc 1889 bởi đây là năm đầu tiên áp dụng chung biểu cước trên toàn cõi Đông Dương, trước đó biểu cước áp dụng riêng cho thuộc địa Nam Kỳ. Mốc tiếp theo tại sao là 1917 bởi cước phí bưu ảnh giữ ổn định ở mức 10c trong khoảng thời gian dài từ 1889-1917, dù gửi trong Đông Dương, đi Pháp hay các nước UPU. Đây cũng là giai đoạn hoàng kim của bưu ảnh Đông Dương với số lượng phát hành và gửi đi vô cùng lớn nhằm quảng bá về đất nước con người nơi đây.

Về biểu cước, có 3 mức áp dụng cho 3 loại bưu ảnh khác nhau trong giai đoạn này như sau:

CƯỚC GỬI BƯU ẢNH TRONG ĐÔNG DƯƠNG, TỚI PHÁP VÀ CÁC THUỘC ĐỊA, GỬI ĐI NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 1889-1917

Quy cách bưu ảnhMức cước
– Bưu ảnh kèm lời nhắn (Cartes postales simples) [1]10c
– Bưu ảnh chỉ có hình, không kèm lời nhắn (Cartes postales illustrées) [2]5c
– Bưu ảnh kèm phúc đáp trả lại người gửi (Cartes postales avec réponse payée) [3]20c

[1] Bưu ảnh có kèm lời nhắn, số từ không hạn chế.

[2] Bưu ảnh chỉ có hình mà không kèm lời nhắn hoặc độ dài lời nhắn <5 từ. Trong luật bưu chính, hình thức tính cước bưu ảnh theo số từ xuất hiện từ 23/5/1910, chúng có mức cước bằng một nửa so với bưu ảnh thông thường.

[3] Loại bưu ảnh này khá hiếm gặp, được in sẵn tem ở 2 mặt, mặt chính chứa lời nhắn của người gửi, mặt còn lại để người nhận reply lại. Người gửi bưu ảnh phải trả cước phí cho cả phần hồi âm từ người nhận, do vậy phải cộng thêm mức cước quay về, còn người trả lời không bị tính thêm cước. Quốc gia nhận được bưu ảnh có hồi đáp phải đảm bảo sự trở lại của bưu ảnh là miễn phí, thường phải là quốc gia trong liên minh UPU. Còn tại sao mức cước là 20c bởi cước gửi bưu ảnh từ Pháp tới Đông Dương là 10c, mức cước nội địa cũng là 10c, cả 2 chiều như vậy sẽ là 10c + 10c = 20c.

1. CARTES POSTALES SIMPLES | BƯU ẢNH KÈM LỜI NHẮN

+ Cước bưu ảnh gửi đi Pháp và thuộc địa là 10c.

Trước năm 1904, việc gửi cartes posales phải tuân thủ những quy định như: mặt chính dùng để ghi địa chỉ người nhận, chỗ dán tem & đóng dấu, bởi vậy nên bưu ảnh giai đoạn này thường in sẵn dòng chữ “Ce côté est seulement réservé à l’adressse”, có nghĩa là “bên này dành cho địa chỉ”. Còn mặt sau chứa hình và nội dung lời nhắn.

Bưu ảnh gửi từ Mỹ Tho tới Paris năm 1903 với mức cước 10c | Lời nhắn được viết ở mặt có hình, mặt chính để ghi địa chỉ

Hầu hết các bưu ảnh gửi trước năm 1904 tôi thấy tính tuân thủ tương đối cao, các dấu nhật ấn đều được đóng ở trên phần mặt chính bưu ảnh.

Bưu ảnh gửi từ Thanh Hóa tới Loire, Pháp năm 1901 | Mức cước 10c | Các dấu nhật ấn đều đóng trên phần mặt chính bưu ảnh

+ Cước bưu ảnh gửi đi các nước UPU là 10c.

Bưu ảnh gửi từ Đà Nẵng tới Ai Cập năm 1904 có mức cước 10c. Một lần nữa cho thấy các con dấu bưu cục đều đóng trên mặt chính có tem

Phải tới sau 1904 cơ quan bưu chính mới cho phép viết lời nhắn ở mặt chính bưu ảnh, kể từ thời điểm đó người ta cũng mới sản xuất loại bưu ảnh mặt chính chia làm đôi, một phần để ghi lời nhắn, một phần để ghi địa chỉ. Nhưng tôi chưa tìm hiểu được vì sao dạng bưu ảnh này đã xuất hiện vào năm 1903. 

Cước bưu ảnh gửi từ Lào đi Shanghai, China năm 1903 là 10c. Bưu ảnh chia làm đôi, bên trái để ghi lời nhắn, bên phải ghi địa chỉ

+ Cước gửi bưu ảnh gửi trong Indochine cũng là 10c.

Sau năm 1904, một bước ngoặt lớn đối với bưu thiếp là cơ quan bưu chính cho phép mặt chính của bưu thiếp được chia làm hai phần, phần bên trái dùng để viết thư, còn bên phải để ghi địa chỉ người nhận và dán tem. Có nghĩa là mặt sau được hoàn toàn sử dụng cho tranh hoặc ảnh. Và như vậy, thông qua bưu thiếp, mọi tầng lớp xã hội ở mọi nơi có thể tiếp cận được với những bức ảnh muôn hình muôn vẻ có kích cỡ bằng bưu thiếp. Cũng vì vậy người ta còn gọi chúng là bưu ảnh

Bưu ảnh gửi nội tỉnh Phủ Lý năm 1909 có mức cước 10c

Hình dưới đây được trích ra từ tệp “Niên giám hành chính Đông Dương 1916” và các bạn có thể thấy mức cước cho tới năm 1916 vẫn là 10c đối với bưu ảnh có lời nhắn và 20c đối với bưu ảnh kèm phúc đáp trả lời lại người gửi.

2. CARTES POSTALES AVEC RÉPONSE PAYÉE | BƯU ẢNH KÈM PHÚC ĐÁP TRẢ LẠI NGƯỜI GỬI

Loại bưu ảnh này có 2 mặt, mỗi mặt là một postcard nhưng mặt chính dành cho người gửi, mặt còn lại dành cho người trả lời. Mỗi mặt đều được in tem, có phần để ghi địa chỉ, viết lời nhắn và có thể gập lại ở giữa. Do tem được in trên cả 2 mặt nên giá cước được tính gấp đôi. Người gửi sẽ phải thanh toán mức cước cho cả 2 chiều.

Mặt chính của tấm bưu thiếp kèm lời nhắn (thường được in dòng chữ: La carte ci-jointe est destinée à la réponse) | Gửi từ Yên Bái ngày 2/12/1898, tới Đức ngày 17/1/1899 | Mức cước 1 chiều là 10c nhưng phải thanh toán tổng cộng 20c cho cả chiều khứ hồi từ Đức quay lại Đông Dương

Mặt reply thường có chữ Réponse in dưới dòng chữ Carte Postale.

Mặt trả lời của bưu thiếp Carte poste avec péponse payée cũng được in sẵn tem 10c, có phần ghi địa chỉ và viết lời nhắn | Mức cước cho phần gửi trả lại này là 10c

3. CARTES POSTALES ILLUSTRÉES | SẮC LỆNH CHO PHÉP GỬI BƯU ẢNH VỚI MỨC CƯỚC 5C

Ngày 23/5/1910, sắc lệnh số 177 cùng các nghị định ban hành ngày 8/10/1909 và 26/11/1909 cho phép viết tay trên bưu thiếp và danh thiếp với mức cước 5c khi gửi đi Pháp và thuộc địa với điều kiện là độ dài lời nhắn phải < 5 từ.

Sau khi sắc lệnh 17 được thông qua, có rất nhiều bưu ảnh dán với mức cước 5c đã được gửi đi. Bởi bưu ảnh có hình xuất hiện ngày càng nhiều và nhu cầu của người gửi đôi khi chỉ là tặng các tấm thiệp cho nhau kèm một vài lời chúc. Đây là một cách bưu điện khuyến khích việc gửi bưu ảnh thông qua giảm phí cho người gửi.

Bưu ảnh gửi đi Pháp năm 1912 có mức cước 5c với lời nhắn <5 từ (không tính ngày tháng, tên & chữ ký người gửi)

Trường hợp không có lời nhắn cũng được tính mức cước 5c như bưu ảnh dưới đây.

Bưu ảnh gửi đi Pháp năm 1912 có mức cước 5c không kèm lời nhắn

Mặc dù sắc lệnh thông qua và áp dụng từ 1909 nhưng phải tới 1917 tôi mới thấy đưa vào trong niên giám cách tính cước dựa theo độ dài lời nhắn. Từ năm 1910-1916 tôi chưa thấy bổ sung hay thay đổi cách tính cước trong các Niên giám hành chính Đông Dương. Hình ảnh dưới đây được trích ra từ cuốn Annuaire général del’Indo-Chine française Indochine 1917.

Trong phần note ở dưới và bên cạnh cũng đã chú thích rõ bưu ảnh và các imprimés nếu để trong phong bì mở không dán với điều kiện ít nhất một nửa mặt trước dành riêng cho địa chỉ người nhận sẽ được chấp nhận với mức cước 5c. Phần lời nhắn cũng được chấp nhận tối đa 5 từ, không tính ngày tháng ghi trên bưu ảnh, tên, nghề nghiệp, chữ ký người gửi.

4. BƯU ẢNH ĐẢM BẢO

Rất hiếm khi bưu ảnh được gửi qua dịch vụ bảo đảm bởi tính chất của nó không quá quan trọng với người gửi và người nhận, bưu ảnh chỉ mang thông điệp hỏi thăm, chào hỏi tới người thân và bạn bè ở xa, hoặc gửi những tấm hình kỷ niệm. Cước phí bảo đảm không hề rẻ, sẽ bị phụ thu thêm 25c + cước gửi bưu ảnh.

Bưu ảnh gửi bảo đảm đi Trung Quốc: 10c cước bưu ảnh + 25c phí bảo đảm. Tổng cộng 35c

5. BƯU ẢNH CHUYỂN THÀNH IMPRIMÉS

Để được hưởng mức cước 5c, bưu ảnh phải chuyển thành vật phẩm Imprimés, bưu điện cho phép làm việc này.

Postcard gửi từ Saigon tới Pháp ngày 25/7/1907, người gửi phải gạch chữ Carte Postale và thay bằng chữ Imprimés để được giảm mức cước từ 10c xuống 5c
Bưu ảnh gạch chữ Carte postale và viết Imprimés để được hưởng mức cước rẻ hơn

6. MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ

Cước bưu ảnh Đông Dương tưởng đơn giản nhưng lại không hề đơn giản một chút nào. Ở trên, tôi đã dẫn chứng về mức cước 5c áp dụng từ 23/5/1910 nhưng thực tế vẫn tồn tại một số bưu ảnh gửi trước thời điểm này có mức cước 5c mà vẫn gửi thành công.

Bưu ảnh gửi đi Pháp năm 1908 chỉ dán 5c, đúng ra phải có mức cước 10c

Cũng có những bưu ảnh gửi sau thời điểm 23/5/1910 với độ dài lời nhắn >5 từ nhưng cũng chỉ bị áp mức cước 5c như dưới đây.

Bưu ảnh gửi từ Hải Phòng tới Thị Cầu, Bắc Ninh năm 1913, đúng ra mức cước phải là 10c nhưng chỉ được dán 5c

Một số nhà sưu tập cho rằng với một lượng thư từ trao đổi khổng lồ, nhân viên bưu điện không thể kiểm soát hết tất cả và để lọt những bưu ảnh như vậy. Tuy nhiên, tôi cũng không cho rằng điều này là đúng bởi số lượng bưu ảnh như hình trên tồn tại khá nhiều, không thể có lý do nhân viên bưu điện lại để sót nhiều như vậy.

Còn đối với những bưu ảnh 1c hoặc 2c đúng là có vấn đề thật, hoặc là người gửi chỉ mang bưu điện tới đóng dấu rồi tự mang về Pháp khi tới Đông Dương du lịch, công tác hoặc thăm người thân. Những bưu ảnh như vậy chưa qua đường bưu chính nên giá trị sưu tập không cao.

Bưu ảnh chỉ dán 1c không thể đủ cước gửi đi Pháp

Đối với người sưu tầm tùy theo mục đích mà lưu ý vấn đề này để đưa ra giá mua hợp lý: người chơi bưu ảnh sẽ quan tâm nhiều hơn tới hình trên postcard, người chơi về cước thư thì những tấm bưu ảnh như vậy lại có ít giá trị hoặc cần phải thuyết minh khi đưa vào bộ triển lãm. Bởi vậy, nên chú ý chọn mua loại bưu ảnh cho đúng cước sẽ dễ thuyết minh hơn.

Mức cước 10c được áp dụng trong toàn “Hệ thống Pháp”, bao gồm cả mẫu quốc. Điều này chứng tỏ rằng việc giá cước giữ ổn định trong một thời gian dài không phải là để cho tất cả người dân Đông Dương tiếp cận được được dịch vụ bưu chính mà đây là biểu phí áp dụng chung cho Pháp và tất cả các thuộc địa của Pháp.

Người dân Đông Dương dưới ách đô hộ của thực dân Pháp đa phần là những người lao động nghèo, 90% ở nông thôn, vừa không biết chữ lại vừa không có điều kiện để gửi thư hay bưu ảnh. Nên có thể thấy đa phần bưu ảnh trong thời kỳ lịch sử này có địa chỉ tới Pháp, viết bằng tiếng Pháp và tầng lớp là những người có địa vị tốt trong xã hội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Share via
Copy link
Powered by Social Snap