Tóm tắt cước thư quân đội 1859-1898


Bài viết này nói về cước thư quân đội tính từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược cho tới khi dừng dịch vụ này vào cuối năm 1898. Chính phủ Pháp đã dành sự ưu đãi cho đối tượng là binh lính, sĩ quan nằm trong biên chế lực lượng viễn chinh đóng quân, đồn trú tại thuộc địa khi gửi thư về Pháp hoặc Algieria bằng tàu hơi nước của Pháp được hưởng mức cước thấp hơn (bằng cước thư gửi nội địa tại Pháp). Ban đầu, việc giảm thuế chỉ áp dụng cho thư gửi tới Pháp & Algieria. Sau đó tới tháng 11/1866, áp dụng thêm cho thư gửi tới các thuộc địa Pháp.

CƯỚC THƯ QUÂN ĐỘI GỬI ĐI PHÁP, ALGIERIA, THUỘC ĐỊA PHÁP, CƯỚC NỘI ĐỊA 1859-1898

Giai đoạnTrọng lượngGửi đi Pháp, Algieria, thuộc địa PhápVăn bản hướng dẫn
Giữa 1859 tới 31/12/18617.5g20cĐạo luật ngày 15/8/1859
Từ 1/1/1862 tới 31/8/187110g20cSắc lệnh ngày 30/12/1861
Từ 1/9/1871 tới 30/6/187610g25cLuật ngày 24/8/1871
Từ 1/7/1876 tới 30/4/187815g25cLuật ngày 3/8/1875, Nghị định 16/11/1875, Nghị định 4/5/1876
Từ 1/5/1878 tới 31/12/189815g15cSắc lệnh ngày 16/4/1878

Từ sau 1/1/1899 chứng kiến sự biến mất cước thư quân đội sau khi thư quân đội và thư dân sự hợp vào làm một. Nếu bỏ qua mốc trọng lượng thư, biểu cước trên sẽ thu gọn thành 3 giai đoạn chính như sau:

Giai đoạnGửi đi Pháp, Algieria, thuộc địa Pháp
Giữa 1859 tới 31/8/187120c
Từ 1/9/1871 tới 30/4/187825c
Từ 1/5/1878 tới 31/12/189815c

Ở góc độ dành cho người nghiên cứu sâu hơn về cước thư, tôi có chia nhỏ thành 8 mốc, mỗi mốc tương ứng với những lần có văn bản hiệu chỉnh biểu cước bưu chính. Còn không các bạn chỉ cần dừng lại ở bảng tóm tắt với 3 mức cước 20c; 25c; 15c ở trên là được.

1. BIỂU CƯỚC THƯ QUÂN ĐỘI ÁP DỤNG TỪ GIỮA 1859 CHO TỚI 31/12/1861.

Quy cáchGửi đi Pháp, AlgieriaQuy cáchCước nội địa
Trọng lượng dưới 7.5 grams20cTrọng lượng dưới 15 grams10c
Từ 7.5 grams tới 15 grams40cTừ 15 grams tới 30 grams20c
Từ 15 grams tới 100 grams80cTừ 30 grams tới 60 grams30c
Mỗi 100 grams tiếp theo80cMỗi 30 grams tiếp theo10c

2. ÁP DỤNG TỪ 1/1/1862 TỚI 31/12/1862.

Giai đoạn này mốc 7.5 grams thay đổi lên 10 grams, 15 grams thay đổi lên 20 grams, còn lại đều không thay đổi kể cả mức cước.

Quy cáchGửi đi Pháp, AlgieriaQuy cáchCước nội địa
Trọng lượng dưới 10 grams20cTrọng lượng dưới 15 grams10c
Từ 10 grams tới 20 grams40cTừ 15 grams tới 30 grams20c
Từ 20 grams tới 100 grams80cTừ 30 grams tới 60 grams30c
Mỗi 100 grams tiếp theo80cMỗi 30 grams tiếp theo10c

Mục số 1 và số 2 tôi không có hình ảnh minh họa cho các bạn bởi bì thư thực gửi sớm nhất tại Nam Kỳ được biết đến cho đến ngày nay là vào 1/1/1863, ngày mà bưu điện Sài Gòn mở cửa.

3. ÁP DỤNG TỪ 1/1/1863 TỚI 31/8/1871.

Quy cáchGửi đi Pháp, Algieria, thuộc địa Pháp [1]Cước nội địa
Trọng lượng dưới 10 grams20c10c
Từ 10 grams tới 20 grams40c20c
Từ 20 grams tới 100 grams80c40c
Mỗi 100 grams tiếp theo80c40c

[1] Kể từ tháng 11/1866, ưu đãi đối với cước thư quân đội áp dụng cho thư gửi tới cả các thuộc địa Pháp. Trước đó chỉ áp dụng cho thư quân đội gửi đi Pháp & Algieria.

+ Mức cước 20c: Áp dụng cho thư quân đội gửi đi Pháp trước ngày 31/8/1871.

Thư quân đội gửi từ Sài Gòn tới Pháp ngày 1/5/1863 có mức cước 20c

+ Bưu điện kiểm duyệt cước phí bằng con dấu PD.

Con dấu PD thể hiện cước phí đã được dán đủ và được kiểm duyệt bởi bưu điện. Do được giảm giá cước nên gian lận có thể xảy ra, thường nếu gửi tại quầy thì người gửi phải nói được tên và số hiệu đơn vị của mình, bưu điện cũng nhìn vào sự thành thật thôi chứ không tới mức gọi về đơn vị hoặc lôi bảng số hiệu ra kiểm tra.

Còn trường hợp bỏ vào thùng thư thì phải ghi tên hoặc số hiệu đơn vị lên mặt trước hoặc phía sau phong bì. Khi kiểm duyệt mà không đủ cước hoặc không đủ điều kiện giảm cước phí thì phong bì đó sẽ được đóng dấu PP để thu thuế bổ sung của người nhận. Con dấu PD sau này cũng được đóng kiểm duyệt cước phí trên các bì thư dân sự và nó được dùng tới tháng 5/1876 thì dừng.

Bì thư quân đội bửi từ bưu cục CHOLEN (Chợ Lớn) đi Pháp ngày 2/3/1866 được đóng dấu kiểm duyệt cước phí PD

+ Mức cước 10c: Áp dụng cho thư quân đội gửi trong Cochinchie.

Thư quân đội gửi Trà Vinh tới thị trấn Mõ Cày, Bến Tre năm 1870 có mức cước 10c, áp dụng cho thư trọng lượng <10g

4. ÁP DỤNG TỪ 1/9/1871 TỚI 30/6/1876.

Tôi đã cân nhắc khá nhiều trước khi chọn mốc 30/6/1876. Tuy chỉ cách nhau có 6 tháng thôi nhưng đây lại là mốc quan trọng bởi nó gắn với thời điểm Nam Kỳ chính thức gia nhập liên minh UPU ngày 1/7/1876 với tư cách là thuộc địa của Pháp. Trước đó, Luật bưu chính Pháp ban hành ngày 3/8/1875 và Sắc lệnh Tổng thống Pháp ký ngày 16/11/1875 đều quy định thời gian có hiệu lực của biểu cước bưu chính mới là kể từ 1/1/1876 nhưng là dành cho Pháp và Algieria.

Chúng ta đều biết sự ì ạch trong hành chính công của Pháp vẫn còn ảnh hưởng tới thế hệ người Việt ngày nay, cộng thêm với thời gian vận chuyển các văn bản bằng đường biển nên sẽ có độ trễ khi áp dụng tại các thuộc địa. Nhưng dùng cách này sẽ rất khó giải thích cho các mốc thời gian khác. Văn bản tôi tham chiếu là Nghị định ban hành ngày 4/5/1876 của Bộ Tài chính; Bộ Hải quân và Thuộc địa có nêu rõ thời điểm có hiệu lực tại các nước thuộc địa là 1/7/1876. Bạn nào có quan điểm khác về mốc thời gian này xin cứ chia sẻ với tôi.

Quy cáchGửi đi Pháp, Algieria, thuộc địa PhápQuy cáchCước nội địa
Trọng lượng dưới 10 grams25cTrọng lượng dưới 10 grams10c
Từ 10 grams tới 20 grams40cTừ 10 grams tới 20 grams20c
Từ 20 grams tới 50 grams70cTừ 20 grams tới 100 grams40c
Mỗi 50 grams tiếp theo50cMỗi 100 grams tiếp theo40c

+ Mức cước 25c: Áp dụng cho thư quân đội gửi đi Pháp từ 1/9/1871 tới 30/4/1878.

Thư quân đội gửi từ Mỹ Tho đi Pháp ngày 9/12/1873, mức cước tăng lên 25c áp dụng cho thư dưới 10g

+ Con dấu PD không còn được sử dụng từ tháng 6/1876.

Như tôi đã đề cập ở trên, thư quân đội và thư dân sự vẫn được bỏ chung vào thùng thư bưu điện như bình thường. Do vậy, để tránh gian lận, bưu điện yêu cầu người gửi phải ghi thông tin về đơn vị mình lên mặt trước hoặc sau phong bì, hoặc phải có chữ ký, dấu đóng của sĩ quan chỉ huy hoặc dấu đơn vị nơi mình đóng quân mới được chấp nhận. Nếu đúng bưu điện sẽ đóng dấu kiểm duyệt PD lên phong bì, PD hàm ý thư đã đủ tiền cho điểm đến. Từ tháng 5/1876, con dấu này không còn được dùng nữa, dưới đây là một bì thư quân đội gửi đi vào tháng 28/6/1876, con dấu PD đã không còn được đóng trên bì thư.

Thư quân đội gửi từ Sài Gòn đi Pháp ngày 28/6/1876, dán đủ cước 25c nhưng con dấu PD đã không còn được sử dụng

Các vùng tô giới của Pháp tại Trung Quốc cũng có lực lượng viễn chinh đồn trú ở đây. Dưới đây là một bì thư quân đội gửi tới một đơn vị quân đội của Pháp tại Thượng Hải, nó có mức cước 40c bởi trọng lượng từ 10-20 grams.

Thư quân đội gửi đi Thượng Hải ngày 3/5/1873 mức cước là 40c áp dụng cho thư trọng lượng 10-20g

5. ÁP DỤNG TỪ 1/7/1876 TỚI 31/12/1877.

Quy cáchGửi đi Pháp, Algieria, thuộc địa PhápCước nội địa
Trọng lượng dưới 15 grams25c15c
Từ 15 grams tới 30 grams50c30c
Từ 30 grams tới 50 grams75c45c
Mỗi 50 grams tiếp theo50c25c

6. ÁP DỤNG TỪ 1/1/1878 TỚI 30/4/1878.

Quy cáchGửi đi Pháp, Algieria, thuộc địa PhápCước nội địa
Trọng lượng dưới 15 grams25c10c
Từ 15 grams tới 30 grams50c20c
Từ 30 grams tới 50 grams75c30c
Mỗi 50 grams tiếp theo50c20c

Giai đoạn này, cước thư nội địa điều chỉnh giảm so với giai đoạn 1/7/1876 – 31/12/1877. Sau đó tới 1/5/1878, cước gửi đi Pháp & các thuộc địa cũng giảm từ 25c về 15c nên mặc dù chỉ có khoảng thời gian 5 tháng nhưng tôi vẫn chia nó thành một giai đoạn.

+ Phí bảo đảm là 50c, gần như không thay đổi suốt cả giai đoạn từ 1863-1898.

Thư quân đội gửi bảo đảm đi Pháp ngày 12/1/1878. Tổng mức cước 75c, trong đó cước thư thường 25c, phí bảo đảm 50c

7. ÁP DỤNG TỪ 1/5/1878 TỚI 31/3/1879.

Quy cáchGửi đi Pháp, Algieria, thuộc địa PhápCước nội địa
Trọng lượng dưới 15 grams15c10c
Từ 15 grams tới 30 grams30c20c
Từ 30 grams tới 50 grams45c30c
Mỗi 50 grams tiếp theo25c20c

+ Mức cước 15c: Áp dụng thư quân đội gửi đi Pháp & thuộc địa từ sau 30/4/1878.

Thư quân đội gửi đi Pháp ngày 19/10/1878 có mức cước 15c

8. ÁP DỤNG TỪ 1/4/1879 TỚI 31/12/1898.

Quy cáchGửi đi Pháp, Algieria, thuộc địa PhápCước nội địa [2]
Trọng lượng dưới 15 grams15c10c
Mỗi 15 grams tiếp theo15c10c

+ Mức cước 15c gửi đi Pháp tiếp tục giữ ổn định trong khoảng thời gian dài.

Thư quân đội gửi đi Pháp ngày 24/6/1889 có mức cước 15c

[2] Kể từ 29/12/1884, cước thư quân đội gửi nội địa áp dụng chung biểu cước với cước thư gửi đi Pháp, Algieria, thuộc địa Pháp (cột giữa) là 15c cho mỗi 15 grams.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Share via
Copy link
Powered by Social Snap