Có một điểm mà tôi thấy các nhà sưu tầm tem Đông Dương thường hay tranh luận đó là quy cách gửi bưu ảnh. Có phải tuân thủ quy tắc như dán tem ở đâu? mặt trước hay mặt sau? phần lời nhắn viết ở đâu? hay thích dán, thích viết ở đâu cũng được mà không cần phải theo bất kể quy tắc nào? Vấn đề này tôi xin chia sẻ như sau:
KẾ THỪA TỪ HỆ THỐNG BƯU CHÍNH PHÁP
Bưu chính Đông Dương được kế thừa từ bưu chính Pháp, người Pháp sang đô hộ Việt Nam và cũng thiết lập và phát triển hệ thống bưu chính nơi đây. Bởi vậy, mà tính tuân thủ trong các nghiệp vụ bưu chính đòi hỏi rất cao. Tại Pháp, bưu thiếp (hình thức sơ khai ban đầu của bưu ảnh) chính thức được chấp nhận trong hoạt động bưu chính vào 20/12/1872. Theo quy định của bưu chính Pháp, lúc đầu ở mặt chính của bưu thiếp dùng để ghi địa chỉ người nhận, chỗ dán tem, và có một đường viền trang trí dày khoảng 4mm xung quanh bưu thiếp. Tới năm 1891, bưu thiếp có hình (bưu ảnh) mới chính thức xuất hiện và được thương mại hóa từ 1897. Ở giai đoạn đầu, tính tuân thủ đối với bưu thiếp và bưu ảnh đòi hỏi rất cao.
ĐỊA CHỈ NGƯỜI NHẬN VIẾT Ở MẶT CHÍNH, LỜI NHẮN VÀ ẢNH Ở MẶT SAU
Trước năm 1904, theo quy định của bưu chính, nội dung lời nhắn không được viết trên mặt chính của bưu ảnh. Mặt chính chỉ được dùng để ghi địa chỉ người nhận, có nghĩa là cả tranh, ảnh và nội dung lời nhắn viết cùng ở mặt sau. Tôi thấy tính tuân thủ này rất cao, hầu như có rất ít bưu ảnh trước năm 1904 mà có lời nhắn viết ở mặt có địa chỉ. Hy hữu một vài trường hợp tem được dán ở mặt có hình.
Như tôi đề cập ở trên, thi thoảng sẽ bắt gặp một vài bưu ảnh dán tem ở mặt trước do số lượng gửi quá nhiều, nhân viên bưu điện không thể kiểm soát hết tất cả. Dù sao thì đây cũng không phải là lỗi nghiêm trọng nên nhân viên bưu điện có thể bỏ qua. Trường hợp thiếu cước hay không dán tem mới đáng ngại.
SAU NĂM 1904 XUẤT HIỆN LOẠI BƯU ẢNH MẶT CHÍNH CHIA LÀM 2 PHẦN, BÊN PHẢI GHI ĐỊA CHỈ, BÊN TRÁI ĐỂ VIẾT LỜI NHẮN
Sau năm 1904, cơ quan bưu chính cho phép mặt chính của bưu thiếp được chia làm hai phần, phần bên trái dùng để viết thư, bên phải để ghi địa chỉ người nhận và dán tem. Có nghĩa là mặt sau được hoàn toàn sử dụng cho tranh hoặc ảnh. Việc thiết kế mặt chính của bưu ảnh cũng được các nhà xuất bản thay đổi lại cho phù hợp với quy định mới.
Tất nhiên, quy định mới này không có tính chất bắt buộc mà nó chỉ là sự nới lỏng các quy định trước đây. Người gửi hoàn toàn có thể gửi bưu ảnh theo cách cũ sau thời điểm năm 1904 mà không bị cấm. Ví dụ như lời nhắn có thể viết ở cả mặt trước lẫn mặt sau, hay bưu ảnh phát hành trước đó vẫn tiếp tục được sử dụng.
Tại Đông Dương, từ năm 1900 tới 1920 là thời kỳ vàng son của bưu ảnh với số lượng phát hành khoảng 18.000 mẫu khác nhau của 70 nhà xuất bản. Việc nới lỏng quy định bưu chính đối với việc gửi bưu ảnh là phù hợp với xu thế thời đại lúc bấy giờ khi mà nhu cầu gửi bưu ảnh ngày càng lớn. Cho tới cuối Đông Dương và tới tận ngày nay, quy cách bưu ảnh như ở trên vẫn không có nhiều thay đổi đáng kể, người gửi không còn bị bắt buộc dán tem ở vị trí cố định, lời nhắn cũng có thể viết ở bất kỳ chỗ nào trên bưu ảnh miễn sao thuận tiện và thẩm mỹ.
CÁCH NGƯỜI PHÁP PHÂN LOẠI VÀ ĐẶT TÊN BƯU ẢNH
Khi tra cứu các tài liệu về cước bưu ảnh Đông Dương, các bạn không thể bỏ qua những thuật ngữ chuyên môn dưới đây. Người Pháp đã phân loại và tính cước dựa trên những đặc tính khác nhau của bưu ảnh.
- Cartes postales illustrées: Bưu ảnh chỉ có hình, không kèm lời nhắn;
- Cartes postales avec cinq mots: Bưu ảnh với lời nhắn <5 từ;
- Cartes postales simples: Bưu ảnh với độ dài lời nhắn không hạn chế;
- Cartes postales avec réponse payée: Bưu ảnh kèm phúc đáp trả lời lại người gửi;