Sau 2 thất bại liên tiếp đầu năm 1929: đầu tiên là Rồng An Nam từ Paris tới Sài Gòn của Costes và Bellonte (19/2/1929) rơi ngay sau khi cất cánh; tiếp đó là chiếc Bernard 197GR từ Istres tới Sài Gòn của Paillard & Le Brix (19-26/2/1929), rơi gần Rangoon, Myanma. Phải tới lần bay thứ ba, chặng bay Paris-SaiGon-Paris mới thành công. Chuyến bay do hai phi công Bailly, Réginensi và thợ máy Marsot thực hiện trong 19 giờ bay trên chiếc Farman 190 F-AIYM.
Thông tin tóm lược về chuyến bay
Khởi hành từ Le Bourget lúc 5h40 sáng này 26/3/1929
Tới Sài Gòn ngày 5/4/1929, phi hành đoàn nghỉ ngơi 1 tuần
Cất cánh từ Sài Gòn lúc 9h30 sáng ngày 12/4/1929
Thời gian bay: Paris-Saigon 10 tiếng; Saigon-Paris 9 tiếng
Quãng đường bay: Paris-Saigon 12.200km; Saigon-Paris 12.000km
Máy bay Farman 190 mã hiệu F-AIYM một tầng cánh, 230 mã lực, làm mát bằng không khí
Phi công André Bailly & Jean Réginensi; thợ máy Georges Marsot
Khối lượng thư chuyên chở từ Saigon-Paris: 50 kg, tương đương 5.979 bức thư
CHUẨN BỊ CHO CHUYẾN ĐI
Các nâng cấp cần thiết đã được thực hiện cho chiếc F-AIYM để nâng tầm bay lên 2.000-2.500km, dung tích bình chứa nhiên liệu được cải thiện tăng thêm 550 lít so với 2.000 lít ban đầu giúp máy bay có thể đạt tới 40 giờ tự hành. Thiết bị động cơ bao gồm cánh quạt kim loại Levasseur kiểu 151, bộ châm lửa Scintilla, bộ chế hòa khí Claudel, đồng hồ đo áp suất dầu Amyot và bộ khởi động hộp đen Farman. Các công cụ điều hướng bao gồm 2 la bàn Vion, một máy đo dẫn xuất STAé kiểu Aéra và một bộ điều khiển bay Badin-Pioneer. Bộ phận hạ cánh được trang bị mâm Dhainaut, lốp Dunlop cùng hệ thống giảm xóc và phanh dầu Messier.
Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận bay tiếp tục bị trì hoãn sau những thất bại liên tiếp từ “Dragon d’Annam” của Costes, Bellonte và Bernard 197 của Le Brix. Phải tới ngày 26/3/1929, chiếc Farman 190 F-AIYM mới được cất cánh từ sân bay Le Bourget.
CHẶNG PARIS – SAIGON | 12.200 KM | 10 GIỜ BAY
Vào lúc 5h40 sáng ngày 26 tháng 3 năm 1929, phi hành đoàn bao gồm André Bailly (phi công dân sự), Jean Réginensi (phi công quân sự thuộc Trung đoàn Không quân 34 của Le Bourget) và Georges Marsot (thợ máy) rời sân bay Le tại Le Bourget để thực hiện một chuyến bay sẽ đưa họ từ Pháp đến Đông Dương. Thời tiết khá thuận lợi.
Ngày | Quãng đường | Mô tả |
26/3 | 1.300km | Đầu tiên trọng chặng hành trình, phi hành đoàn phải đến Tubé ở Istres; sau đó vượt qua dãy Alps để hạ cánh ở Padua. |
27/3 | 800km | Đi qua Belgrade. |
28/3 | 800km | Đến Constantinople lúc 3 giờ 35 phút, phi hành đoàn phải đợi các giấy phép cần thiết để bay qua Thổ Nhĩ Kỳ |
29/3 | 1.000km | Khởi hành lúc 10:45 sáng, sau đó họ dừng lại ở Aleppo lúc 5:00 chiều. |
30/3 | 800km | Tới Baghdad. |
31/3 | 1.500km | Một cơn bão cát buộc họ phải hạ cánh trên sa mạc trước khi đến Basra, sau đó là Bender-Abbas. |
1/4 | 1.500km | Sau một chuyến bay đêm, họ hạ cánh vào sáng ngày 1 tháng 4 tại Karachi, sau đó đến Allahabad vào buổi tối. Máy bay của họ phải dừng lại sửa chữa tại Ấn Độ, loại bỏ sự đốt nóng của khí cấp cho bộ chế hòa khí bằng ống xả, với nguy cơ cát lọt vào bộ chế hòa khí. |
3/4 | 1.250km | Rời Allahabad ngày 3 tháng 4, họ dừng lại ở Akyab, sau một chặng nhanh chóng ở Calcutta. |
4/5 | 1.250km | Họ có mặt lúc 3 giờ chiều tại Bangkok. |
5/5 | 750km | Lên đường trở lại lúc 7 giờ sáng, cuối cùng họ đã đến Sài Gòn – Biên Hòa vào lúc 12 giờ 55 phút ngày 5 tháng 4 sau chặng đường dài 750 km. |
Mười ngày sau, ngày 5 tháng 4 năm 1929, ngay trước 1 giờ chiều, sân bay Biên Hòa, cách Sài Gòn không xa, đã chứng kiến chiếc Farman 190 F-AIYM xuất hiện trên đường băng. Để đánh dấu sự thành công của chuyến đi 12.200 km trong 10 ngày này, chiếc máy bay đã nhận được tên “Paris-Sài Gòn” sơn trên nắp ca-pô kèm theo huy hiệu của Phi đoàn 2 Đông Dương ở phía bên trái.
CHẶNG SAIGON – PARIS | 12.000 KM | 9 GIỜ BAY
Thời gian ở lại Sài Gòn chỉ kéo dài một tuần. Ngày 12/4, chiếc Farman rời sân bay Sài Gòn – Tân Sơn Nhất lúc 9h30 cho chuyến khứ hồi về Paris.
Ngày | Quãng đường | Mô tả |
12/4 | 750km | Tới Bangkok lúc 3h chiều. |
13/4 | 1.220km | Cất cánh lúc 7:30 sáng, phi hành đoàn hạ cánh ở Akyab. |
14/4 | 1.250km | Sau một chặng dừng kiểm tra kỹ thuật ở Calcutta, phi hành đoàn đến Allahabad. |
15/4 | 1.440km | Dừng tại Karachi. |
16/4 | 1.100km | Tới Bender-Abbas. |
17/4 | 1.500km | Tới Basra, Baghdad. |
18/4 | 1.460km | Tới Aleppo, Constantinople. |
19/4 | 1.460km | Tới Belgrade, Udine. |
20/4 | 1.050km | Dời vịnh Venice vào sáng sớm và đến Lyon lúc 12 giờ 10. Sau đó dừng lại ở Lyon cho đến 3:15 chiều và mặc dù có gió giật khá dữ dội, họ đã đến Le Bourget lúc 6:15 chiều. Kết thúc hành trình. |
Một sự chào đón nhiệt tình đối với phi hành đoàn tại điểm dừng chân đầu tiên trên đất Pháp. Vì thế mà họ đã không rời Lyon cho đến 3:15 chiều. Vào lúc 5 giờ 40 phút, một đoàn hộ tống danh dự gồm 4 chiếc F.190 do Coupet, Lallouette, Risser và Robin lái đã cất cánh từ Le Bourget để gặp họ, nhưng thời tiết xấu không cho phép cuộc gặp. F-AIYM, bị giảm tốc độ do gió giật mạnh nên cho đến 6 giờ 15 phút mới hạ được cánh. Kết thúc hành trình 23.150 km trong 18 ngày bay. Vào ngày 22/4, trong khi phi hành đoàn được Laurent-Eynac đón tiếp, chiếc máy bay được Coupet vận chuyển đến Toussus, nơi nó được bảo dưỡng.
VẬN CHUYỂN THƯ TÍN
Con số 90.000F có vẻ phóng đại thiếu chính xác.
Chuyến bay mang theo 50kg thư (5.979 bức thư), như vậy trung bình mỗi bức thư nặng 8,36 grams. Phụ thu hàng không đối với mỗi 10 grams của chuyến bay Premier Voyage Postal Par Avion Indochine France là 80c, cộng thêm 6c cước thư thường và 15c nếu là thư bảo đảm. Trung bình mỗi bức thư như vậy sẽ có giá trị bưu chính xấp xỉ gần 1F. 5.979 bức thư sẽ có giá trị bưu chính vào khoảng 5.380-5.979F. Con số giá trị bưu chính khai thác 2 chiều lên tới 90.000F tôi thấy có phần phóng đại thiếu chính xác.
Dấu kỷ niệm chuyến bay.
Nhiều người Pháp tại Đông Dương nhân cơ hội này chuyển thư vào thành phố gửi về quê hương. Một con dấu đặc biệt kỷ niệm chuyến bay được đóng trên mỗi bức thư, nó có hình đôi cánh máy bay với 3 màu xanh, đen và tím, trong đó màu tím rất hiếm.
Logo màu xanh
Logo màu đen
Logo màu tím
Dấu nhật ấn.
Bưu điện ra thông báo và tiếp nhận thư từ ngày 5/4/1929 cho tới ngày 12/4, do vậy dấu nhật ấn sớm nhất sẽ là ngày 5/4. Duy nhất trong ngày cuối cùng 12/4, bưu cục Saigon thay đổi con dấu nhật ấn trong đó ở góc trên cùng bên phải (cạnh giờ nhận thư) có hình phần đầu chiếc máy bay. Các ngày trước đó chưa có con dấu này.
Dấu nhật ấn 12/4/1929 màu đen
Dấu nhật ấn 12/4/1929 màu xanh
Mức cước của chuyến bay này tôi có một bài riêng viết về nó. Các bạn có thể tham khảo ở đường link sau đây: Premier Voyage postal par avion Indochine France | Phụ thu hàng không 80c