Nhắc lại một chút về lịch sử để các bạn không bị nhầm lẫn giữa các chuyến bay. Trong năm 1929 đã có 3 cuộc đột kích bằng đường hàng không giữa Pháp và Đông Dương trong đó có một cuộc đột kích không thành công của Paillard, Le Brix. Máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống một đầm lầy cách Yangon 200km về phía Đông Nam.
CÁC CHUYẾN BAY GIỮA PHÁP VÀ ĐÔNG DƯƠNG THỰC HIỆN NĂM 1929
Thời gian | Chuyến bay |
18-26/2/1929 | Chuyến bay đầu tiên do Paillard, Le Brix thực hiện ngày 18/2/1929, khởi hành từ Istres để tới Sài Gòn. Máy bay sau đó bị rơi tại Yangon, Myanma ngày 26/2/1929. Thư sau đó chuyển tiếp tới Sài Gòn ngày 9/3/1929. |
12-20/4/1929 | Chuyến bay thứ hai từ Sài Gòn tới Paris do Bailly, Réginensi thực hiện từ 12-20/4/1929. Chuyến bay mang theo 5.979 bức thư và được đặt tên “Postal Par Avion Indochine France”. |
17-21/11/1929 | Chuyến bay thứ ba từ Hà Nội tới Paris do Costes và Bellonte thực hiện từ 17-21/11/1929. Chuyến bay mang theo 8.889 bức thư và được đặt tên “Voyage Retour Record Distance”. |
Cả 3 chuyến bay trên đều là những cuộc đột kích riêng lẻ. Còn chuyến bay mà tôi đề cập tới trong bài viết này là tuyến hàng không theo lịch trình thời gian đều đặn 2 tuần/lần diễn ra trong giai đoạn cuối 1929 đầu 1930.
MỘT CÚ BẮT TAY GIỮA PHÁP VÀ HÀ LAN VỀ TUYẾN HÀNG KHÔNG THEO LỊCH TRÌNH CỐ ĐỊNH
Chuyến hàng không theo lịch trình đều đặn 2 tuần/lần giữa Pháp và Đông Dương lần đầu tiên diễn ra vào ngày 19/12/1929. Để tới được Paris, thư phải vận chuyển bằng hàng không từ Sài Gòn tới Bangkok, tiếp đó là Bangkok – Amsterdam và sau cùng là Amsterdam – Paris. 3 hãng hàng không tham gia vận chuyển thư tín trên cung đường này gồm: Compagnies Air Union-Lignes d’Orient, Air Asia, KLM.
Trước đó đã có nhiều chuyến bay theo thỏa thuận giữa chính phủ Pháp và Hà Lan nhưng chưa có chuyến nào khai thác bưu chính do hiệp ước bưu chính chưa được ký kết. Dịch vụ này sẽ được tiếp tục trong tháng 1 năm 1930 và các cuộc đàm phán được tiến hành để hoạt động trở lại trong năm. Tiếc là sau 3 lần bay, đường thư Sài Gòn – Paris kết hợp qua tuyến Bangkok – Amsterdam của KLM tạm từng hoạt động cho tới mùa thu tháng 9 năm 1930 mới hoạt động trở lại.
CHẶNG BAY SÀI GÒN – BANGKOK – AMSTERDAM – PARIS LẦN THỨ NHẤT | TỪ 19-28/12/1929
Chuyến bay đầu tiên mang theo 1.600 bức thư và không có con dấu hàng không kỷ niệm cho lần bay này, trên bì thư chỉ ghi dòng chữ “Par malle Aérienne Hollandaise”, có thể đánh máy hoặc viết tay. Chuyến bay cất cánh từ Sài Gòn ngày 19/12/1929, giờ nhận thư muộn nhất là 20h tối hôm trước (18/12/1929). Mất 10 ngày để tới Paris, giảm 15 ngày so với vận chuyển thư bằng đường biển.
CHẶNG BAY SÀI GÒN – BANGKOK – AMSTERDAM – PARIS LẦN THỨ HAI | TỪ 1-12/1/1930
Ở lần bay thứ 2 này, một con dấu hàng không kích thước 54 x 14 mm dành riêng cho chuyến bay được tạo ra. Dòng chữ trên con dấu vẫn là “Par malle Aérienne Hollandaise”, có 2 màu đỏ, đen trong đó màu đỏ là chủ yếu. Giờ nhận thư muộn nhất là vào 11h sáng ngày 1/1/1930 tại bưu cục trung tâm Saigon Central.
Chuyến bay thực hiện từ 1-12/1/1930 nhưng dấu đến Paris vào ngày 13/1/1930.
Các thông tin khác về chuyến bay lần thứ 2 như sau:
Chặng | Hãng bay | Máy bay | Phi công |
Saigon – Bangkok | Air Asie | Potez 32 | Mã hiệu F-AJJD | Bourgeois |
Bangkok – Amsterdam | KLM | Fokker VII | Mã hiệu D-3m PH-AEN | Soer-Wierma |
Amsterdam – Paris | chuyến bay thông thường |
CHẶNG BAY SÀI GÒN – BANGKOK – AMSTERDAM – PARIS LẦN THỨ BA | TỪ 16-25/1/1930
Thông báo từ bưu điện.
Sài Gòn, ngày 10 tháng 1 năm 1930
Thông báo từ Phó giám đốc sở Bưu chính và Điện tín Nam Kỳ (Grade) cho hay, công ty Air Asia sẽ thực hiện chuyến đi bằng máy bay giữa Sài Gòn và Bangkok để làm nhiệm vụ trung chuyển thư cho tuyến Bangkok-Amsterdam. Máy bay của hãng hàng không K.L.M Hà Lan sẽ rời Bangkok đi Châu Âu vào ngày 17/1/1930. Trong dịp này, bưu cục Saigon-Central sẽ nhận các thư gửi đi Paris và châu Âu, bao gồm thư thường và thư bảo đảm, phụ phí phải trả là một piastre trên mỗi 10 grams.
Thời điểm nhận thư.
Máy bay khởi hành từ Sài Gòn đi Bangkok sẽ diễn ra vào sáng thứ Năm ngày 16 tháng 1 năm 1929. Do vậy, hạn chót nhận thư bảo đảm là 20h tối thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 1929; với thư thường là 5 giờ sáng thứ Năm, ngày 16 tháng 1 năm 1929. Các bưu cục khác khi nhận thư phải chuyển về điểm nhận thư cuối cùng tại bưu cục Saigon-Central trước thời điểm trên.
Thư bảo đảm sẽ có dấu hủy Saigon-Central 20h tối ngày 15/1/1930
Thư thường sẽ có dấu hủy Saigon-Central 5h sáng ngày 16/1/1930
Con dấu hàng không.
Theo quy định, tất cả các thư từ được chuyển tiếp theo tuyến đường này (Bangkok – Amsterdam) phải có nhãn hàng không với hàng chữ “Par Malle Aerienne Hollandaise” màu đỏ ở góc trên bên trái (dù vậy tôi thấy không được tuân thủ lắm). Con dấu được bưu điện đặt miễn phí cho công chúng tại quầy bưu điện và sau này người sưu tập tem đều biết không phải chỉ có một màu đỏ duy nhất mà có 2 màu đỏ và đen.
Dấu Par Malle Aerienne Hollandaise màu đỏ
Kích thước 54 x 14 mm
Dấu Par Malle Aerienne Hollandaise màu đen
Kích thước 54 x 14 mm
Vận chuyển thư tới Bangkok.
Ở chuyến bay lần thứ 3 này, việc vận chuyển thư từ Sài Gòn đến Bangkok do 2 công ty hàng không của Pháp là: Société d’Entreptises Aériennes và Indochine et en Extrême-Orient (Air-Asie) thực hiện. Từ Bangkok, thư tiếp tục được vận chuyển đến Paris thông qua đường bay tới Amsterdam.
Đây là lần khai thác thứ 3 từ Châu Âu tới châu Á của hãng hàng không K.L.M. Chuyến bay rời Sài Gòn ngày 16/1/1930, sau đó tạm dừng khai thác tới tháng 9/1930 mới hoạt động trở lại.
Các bài viết khác liên quan tới chuyến bay này xin các bạn click vào thẻ tag ở dưới.