Bưu thiếp là một phương tiện trao đổi thư từ dạng viết tay trên một miếng giấy bìa chữ nhật, có nhiều cỡ khác nhau, nhưng kích thước thông dụng nhất là khổ 10×15 cm, gửi đi không cần phong bì. Địa chỉ người nhận và tem được dán ở trên cùng một mặt. Vì không cần phong bì và nội dung trao đổi thường ngắn, nên bưu thiếp có cước phí rẻ hơn gửi thư thông thường.
Nếu như nước Anh là cái nôi của tem thư, thì cái nôi của bưu thiếp là nước Áo. Bác sĩ Stéphan, người Áo đã có ý tưởng này từ năm 1865. Và phải đến ngày 1/10/1869 tại Viên, giáo sư Emmanuel Hermann mới thuyết phục được cơ quan bưu chính của Áo chính thức sử dụng bưu thiếp.
BƯU THIẾP ĐƯỢC CHẤP NHẬN TRONG BƯU CHÍNH TẠI PHÁP NĂM 1873 VÀ TẠI ĐÔNG DƯƠNG NĂM 1878
Ở Pháp, bưu thiếp xuất hiện lần đầu tại thành phố Strasbourg (đông bắc nước Pháp) và Paris trong thời kỳ chiến tranh Pháp Đức 1870-1871. Tuy nhiên, theo đề nghị của nghị sĩ Louis Wolowski, Luật Tài chính ban hành ngày 20/12/1872 mới chính thức ghi nhận việc sử dụng bưu thiếp trong các hoạt động bưu chính tại nước Pháp và được thực hiện trên toàn nước Pháp từ ngày 15/1/1873. Cho tới năm 1875 việc sản xuất và bán bưu thiếp là do cơ quan bưu chính độc quyền. Tại Đông Dương, dựa trên những tài liệu mà tôi tìm hiểu được, bảng cước phí đối với bưu thiếp xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1878.
Lúc đầu, ở mặt chính của bưu thiếp dùng để ghi địa chỉ người nhận, chỗ dán tem và có một đường viền trang trí dày khoảng 4mm. Sau này đường viền không còn được sử dụng nhiều nữa.
BƯU THIẾP CÓ HÌNH BẮT ĐẦU NỞ RỘ TỪ ĐẦU 1900
Năm 1891 Dominique, người Mácxây là người đầu tiên đã thương mại hoá các bưu thiếp có hình ảnh. Tuy nhiên, do kỹ thuật kết nối máy in với các bức hình chụp còn hạn chế khiến cho loại hình này vẫn hết sức khiêm tốn trước năm 1897. Triển lãm Thế giới tại Paris năm 1900, người ta đã dành 5 gian giới thiệu về Đông Dương qua các bưu ảnh, đã đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ của bưu thiếp. Giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 đến kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai được gọi đó là giai đoạn vàng của bưu thiếp. Vào thời kỳ này, các báo hàng ngày mới thường chỉ đăng tải tin tức cùng với tranh vẽ minh hoạ, ảnh chụp trên báo hầu như không có. Nhờ kỹ thuật chụp ảnh và công nghệ in, đặc biệt là công nghệ khắc chìm (iconographie), các nhà xuất bản, các nhà nhiếp ảnh đã đưa các hình ảnh phong cảnh, các sự kiện và cuộc sống hàng ngày tại Đông Dương ra khắp thế giới.
Giai đoạn đầu, nội dung của thư không được viết trên mặt chính của bưu thiếp hay bưu ảnh. Mặt chính chỉ được dùng để ghi địa chỉ người nhận, có nghĩa là cả tranh, ảnh và nội dung thư viết cùng ở mặt sau.
Một bước ngoặt lớn đối với bưu thiếp là từ năm 1904: cơ quan bưu chính cho phép mặt chính của bưu thiếp được chia làm hai phần, phần bên trái dùng để viết thư, còn bên phải để ghi địa chỉ người nhận và dán tem. Có nghĩa là mặt sau được hoàn toàn sử dụng cho tranh hoặc ảnh. Và như vậy, thông qua bưu thiếp, mọi tầng lớp xã hội ở mọi nơi có thể tiếp cận được với những bức ảnh muôn hình muôn vẻ có kích cỡ bằng bưu thiếp. Cũng vì vậy người ta còn gọi chúng là bưu ảnh.
BƯU ẢNH GÓP PHẦN QUAN TRỌNG TRONG VIỆC QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH VỀ ĐÔNG DƯƠNG
Ở Đông Dương, sau khi Pháp đã hoàn thành cuộc chính phục đất đai, công cuộc khai thác thuộc địa đòi hỏi các nhu cầu về tiền bạc và nhân lực từ chính quốc. Các tấm bưu ảnh đã góp phần đáp ứng được nhu cầu mời gọi đầu tư, di dân và du lịch đến xứ sở đầy sự phong phú về văn hoá, hấp dẫn về cảnh quan và giầu có về sản vật. Chính vì vậy, thời kỳ này cũng chính là giai đoạn vàng của bưu ảnh Đông Dương nói chung. Trong bài tham luận “Lịch sử bưu ảnh Đông Dương từ 1900-1914” tại Hội thảo “Nguồn sử liệu và cách tiếp cận Việt Nam” tổ chức tại Aix-en-Provence vào năm 1995, Vincent Thierry đã thống kê được ở Việt Nam trong giai đoạn đó có tới 70 nhà xuất bản tham gia vào việc phát hành khoảng 18.000 mẫu bưu ảnh. Nhiều nhà nhiếp ảnh và sản xuất bưu ảnh nổi tiếng ở Việt Nam thời bấy giờ như ở Sài Gòn có Bà Wirth, Poujade de Ladevège, Planté ; ở Trung Kỳ có Pelissier (Đà Nẵng), Guérin (Huế), ở Hà Nội có nhà in Schneider, R.Moreau (Hà Nội) và nhất là nhà nhiếp ảnh P. Dieulefils. Nhiều nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã tham gia chụp ảnh và được in trong các bộ sưu tập của người Pháp mà điển hình là Nguyễn An Ninh.
Khi công nghệ viễn thông phát triển, nhất là điện thoại và sau này là thư điện tử, bưu ảnh đã mất dần ưu thế của mình. Bưu ảnh chỉ còn dùng ở một vài điểm du lịch và chủ yếu cho người lớn tuổi. Người trẻ tuổi thường liên lạc với nhau qua thư điện tử và các ảnh tự chụp bằng kỹ thuật số và phương thức trao đổi thư từ này được gọi là bưu thiếp ảo.
GIÁ BÁN MỖI TẤM POSTCARD THỜI ĐÔNG DƯƠNG LÀ BAO NHIÊU?
Tấm bưu ảnh bìa nhà xuất bản P.DIEULEFILS dưới đây cho chúng ta có được thông tin về giá bán các tấm bưu ảnh thời Đông Dương. Một set gồm 120 postcards có giá 12 piastres, như vậy mỗi tấm postcard được bán với mức giá 10c, bằng với cước gửi bưu ảnh.
Bài viết này tôi trích dẫn từ nguồn: https://magingam.wordpress.com ngoại trừ phần hình ảnh do tôi bổ sung thêm.