Đặc điểm dấu in đè giá tiền
Nét chữ thẳng, đậm, rõ nét | Vị trí: góc dưới bên phải | Năm phát hành: tháng 12/1954
Kích thước: In đè 10đ (4x 4mm), In đè 20đ (6x4mm)
Màu sắc:
Trong bài viết này, tôi sẽ nói về những mẫu tem in đè đặc biệt trong kiểu in đè màu xanh. Có 3 loại sai sót về dấu rất đặc trưng ở kiểu in đè này mà tôi liệt kê ra, đó là: in đè 10đ ba lần và in đè 10đ lộn ngược trên mẫu 100đ nâu không răng, in đè 10đ trên mẫu 200đ đỏ. Ngoài ra, một số tem dị bản hay sai sót nhỏ về dấu cũng được nêu ra ở trong bài viết này để mọi người cùng tham khảo.
MẪU 100Đ NÂU KHÔNG RĂNG
Đầu tiên phải kể tới đó mẫu tem 100đ màu nâu đóng dấu in đè 10đ tới 3 lần: một vị trí ở góc dưới bên trái, hai ở bên phải trong đó có 1 mẫu in đè lộn ngược. Tôi xin up lên một số hình để các bạn tham khảo.

Hình A
10đ xanh in đè ở bên trái, bên phải, và in lộn ngược
(Mẫu tem này tôi mua từ một nhà buôn tem bên Mỹ, người bán có đóng dấu ký hiệu ở góc dưới bên phải của tem để cam kết được phép trả lại nếu đó là tem giả)

Hình B
(Mẫu tem này tôi mua từ một nhà sưu tầm tem người Trung Quốc, hiện đang sống và làm việc ở Việt Nam, tôi thấy nó trong một quyển tem cũ và mua nó với giá 100k)

Hình C
Với việc tồn tại khối 4, tôi cho rằng kiểu in đè này có nguyên tờ

Hình D
Tem ở trên in đè bình thường trong khi tem ở dưới in đè 3 lần
(Kiểu in đè này cũng tồn tại loại in đè 3 lần bên cạnh mẫu in đè bình thường, vậy chứng tỏ nó phải có thêm 1 tờ đóng dấu lỗi như vậy nữa)

Hình E
Cũng xuất hiện in đè đồng thời ở cả 2 bên: trái và phải
Tiếp đến là kiểu in đè 10đ màu xanh lộn ngược, có thể là tem đơn lẻ hoặc đi cùng với một tem bình thường ở bên cạnh (trường hợp này sẽ có giá trị cao hơn 1 chút).

Hình F
Và một mẫu chỉ có in đè lôn ngược

Hình G
Cặp tem với tem bên trái lộn ngược, tem bên phải bình thường

Tem CTO | In đè 10đ lộn ngược

Tem CTO | In đè lộn ngược
Đó là tất cả những kiểu in đè đặc biệt trên mẫu 100đ nâu. Tới đây chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi tại sao in đè trên mẫu 100đ màu nâu lại có nhiều kiểu đặc biệt vậy, đó là thật, giả hay ngụy tạo? Ngụy tạo hàm ý thứ nhất là sự cố ý, con dấu thật được nhân viên bưu điện đóng đúng ở thời điểm phát hành nhưng đã cố ý đóng thành nhiều kiểu như vậy. Luận điểm này dễ bị bác bỏ bởi thời điểm những năm 50 của thế kỷ trước, cán sự bưu điện là những người làm việc rất tận tâm và trách nhiệm, họ sẽ không đóng ra những con tem như thế để bán, và có làm ra e là cũng không bán cho ai được ở cái thời điểm khổ cực ấy ai nghĩ tới việc chơi tem.
Ngụy tạo thứ 2 hàm ý nó được đóng lại thời điểm sau này, con dấu là thật nhưng không phải đóng tại thời điểm những năm 1950. Bởi các dấu in đè được đóng rất chính xác từng vị trí, kiểu đóng sai cũng rất đa dạng nên lại càng có cơ sở để tôi tin đó là những kiểu in đè ngụy tạo, chỉ có điều là nó được làm ra ở những thập niên 50, 80 hay 90 thì tôi chưa rõ.
Tôi được biết sau này bưu điện có bàn giao lại những con dấu này cho Công ty kinh doanh tem Xunhasaba nhưng những mẫu tem in đè của Xunhasaba được đóng vào thập niên 90 sử dụng loại mực khác rất dễ nhận ra, trong bộ sưu tầm của tôi có rất nhiều tem in đè của Xunhsaba. Các bạn muốn xem thì click vào link này -> Tem in đè giá tiền của Xunhasaba.
Trong khi những mẫu in đè ở trên là thật, chúng sử dụng loại mực acid rất đặc trưng ở kiểu in đè này, loại mực acid này về sau không dùng nữa, có được loại mực này rất khó. Tất cả những mẫu in đè tôi post ở trên đều sử dụng loại mực acid vì có vết mờ ở xung quanh do acid ăn mòn thấm sang. Một điểm nữa khiến tôi kết luận đó là những con tem in đè thật là vì cái này.
TABLE 1: IN ĐÈ 10Đ XANH CÓ CHỮ “Đ” VÀ SỐ “10” CHÉO NHAU

In đè trên mẫu tem bình thường

In đè lấy từ Hình G | Tem bên trái

In đè lấy từ Hình A

In đè lấy từ Hình C | Tem trên cùng bên trái

In đè lấy từ Hình D | Tem bên trên

In đè lấy từ Hình F
Tất cả những mẫu in đè thật chữ “đ” và số “10” không song song mà nghiêng với nhau tạo thành góc chéo, không tin bạn kiểm tra mẫu tem của mình xem 😀 Tôi đã lấy mẫu tất cả những kiểu in đè đặc biệt và chúng đều có kết quả như vậy. Ngoài ra, tôi đo kích thước đúng là 4x4mm, mực in thì chuẩn rồi vì đều là mực acid.
Vậy kết luận ở đây, đó là những mẫu in đè thật, nguồn gốc của chúng tại sao lại có thật sự là một câu hỏi khó. Tôi chỉ biết là những mẫu in đè này có giá rất đắt.
MẪU 200Đ ĐỎ CÓ RĂNG
Đối với mẫu 200đ đỏcó răng, những kiểu in đè đặc biệt thường gặp đó là in sai giá tiền hoặc in sai giá tiền nhưng sau đó nhân viên bưu điện phát hiện ra và đóng lại.

In đè 10đ trên mẫu 200đ đỏ grick-red, đúng ra phải in đè 20đ

In đè 10đ trên mẫu 200đ đỏ carmine, đúng ra phải in đè 20đ

In đè 10đ trên mẫu 200đ đỏ carmine, tem CTO

In đè 10đ trên mẫu 200đ đỏ carmine

Một mẫu 200đ đỏ carmine khác in đè 10đ

In đè 10đ sau đó đóng dấu 20đ đè lên, ngoài ra còn một dấu in đè nữa ở góc trên cùng bên phải
TEM DỊ BẢN

Tem bên phải bị loang mực (hiếm bởi tem 200đ đỏ không răng bình thường đã hiếm rồi chưa nói đến tem in đè)

Lỗi đục lệch răng
Bài viết này tôi viết dành để chia sẻ và tặng tới những người yêu thích tem. Tôi luôn để mở và không nghiêm cấm hành vi copy, sao chép nội dung hay ảnh từ bài viết này. Các bức ảnh cũng được tôi scan nguyên gốc từ trong bộ sưu tầm và tôi cũng không ký hay đóng dấu tên cá nhân của mình lên tất cả các bức ảnh.
Các bạn sưu tầm tem về chủ đề này cũng đừng ngần ngại liên hệ tới tôi để được trợ giúp về cách chơi dòng tem này, cách phân biệt thật giả cũng như xác định giá trị từng con tem.
Email: collectvn@gmail.com