Imperial Eagle | Tem thuộc địa dùng ở Đông Dương


Tem thuộc địa đầu tiên dùng ở Nam Kỳ là “Imperial Eagle”, ở Việt Nam hay gọi là tem “con Ó”. Chúng được phát hành rải rác từ năm 1859-1865 với tổng cộng 6 mẫu (1c, 5c, 10c, 20c, 40c, 80c) và dùng chung cho tất cả các thuộc địa Pháp. Thiết kế con tem có hình vuông, không có răng, mô tả một con đại bàng, trên đầu đội vương miện trong một khung tròn với dòng chữ “COLONIES DE L’EMPIRE FRANCAIS”.

Trong 6 mẫu này, giá mặt 10c tôi thấy được dùng trong những ngày đầu bưu cục Sài Gòn mở cửa tháng 5/1863, cùng thời điểm với mẫu tem Napoléon 20c xanh blue. Mẫu 10c thường được dùng theo một cặp để thanh toán cước phí 20c lúc đó. Mẫu 1c hầu như không có trên phong bì bởi chúng dùng để gửi các vật phẩm bưu chính cước phí rẻ hơn như imprimés, báo & tạp chí,.. mà những vật phẩm này trước năm 1870 có rất ít. Từ 1872-1873, do hết tem nên dòng tem con Ó dần thay thế bằng tem Cérès.

NHỮNG MẪU TEM IMPERIAL EAGLE DÙNG TẠI COCHINCHINE

1c – Dấu hủy CCH – Phát hành 1/5/1862

20c – Dấu hủy CCH – Phát hành 1865

5c – Dấu hủy Saigon – Phát hành 1/5/1862

40c – Dấu hủy CCH – Phát hành 1859

10c – Dấu hủy CCH – Phát hành 1859

80c – Dấu hủy CCH – Phát hành 1865

Thời điểm phát hành mẫu tem khác với thời điểm chúng được lưu hành tại Cochinchine bởi những mẫu tem trên được phát hành tại Pháp và luôn có độ trễ nhất định trong quá trình vận chuyển.

PHÂN BIỆT THƯ QUÂN ĐỘI VÀ THƯ THƯƠNG MẠI

Trước khi hiểu về cước thư giai đoạn này, bạn cần phân biệt giữa thư quân đội và thư thương mại bởi thư quân đội được hưởng cước phí ưu đãi. Các bạn sẽ nhận ra thư quân đội qua con dấu nhật ấn có hình lục giác và có chữ CORR.D.ARMÉES hoặc CORR.D.ARM ở bên trong (ngoại trừ một vài dấu CORR.D.ARM hình tròn). Tất cả thư thương mại đều có dấu nhật ấn hình tròn. Giai đoạn đầu, thư chủ yếu phục vụ các binh đoàn viễn chinh gồm sĩ quan, binh lính nên chủ yếu là thư quân đội. Dưới đây là hình minh họa dấu nhật ấn của 2 loại thư:

Thư quân đội

Nhật ấn lục giác, bên trên là dòng chữ CORR.D.ARMÉES hoặc CORR.D.ARM, bên dưới là tên bưu cục

Thư thương mại

Nhật ấn hình tròn, bên trên là chữ COCHINCHINE, bên dưới là tên bưu cục

CƯỚC THƯ QUÂN ĐỘI | CORRESSPONDANCES D’ARMÉES

Thuế quan bưu chính đầu tiên liên quan tới trao đổi thư từ giữa Cochinchine và Pháp được thực hiện qua tuyến hàng hải Pháp-Anh-Suez được công bố trong bản tin tháng của Cục Bưu chính số 87 xuất bản tháng 11/1862 và Thông tư số 271 theo Sắc lệnh Hoàng gia ngày 22/10/1862. Nó có hiệu lực tại Nam Kỳ từ ngày 13/1/1863 theo bản tin hành chính Nam Kỳ số 15.

1. Thư quân đội gửi đi Pháp, Algieria & các thuộc địa của Pháp.

BẢNG 1: CƯỚC THƯ QUÂN ĐỘI GỬI ĐI PHÁP, ALGIERIA, THUỘC ĐỊA PHÁP TỪ 13/1/1863 – 31/8/1871

Trọng lượng thưThư đã dán temThư chưa dán temThư có bảo hiểm (Chargées)
Dưới 10 grams20c30c40c
Từ 10 đến 20 grams40c60c60c
Từ 20-100 grams80c120c100c
Từ 100-200 grams160c240c180c
Từ 200-300 grams240c360c260c
Mỗi 100 grams tiếp theo80c120c80c

Bì thư minh họa về việc sử dụng tem con Ó trong cước thư quân đội:

Thư quân đội gửi đi Pháp | Nhật ấn 30/4/1865 | Dấu hủy CCH Sài Gòn | Mức cước 20c, dán bởi 2 tem Imperial Eagle 10c

Một bì thư quân đội khác gửi đi Pháp năm 1866 cũng có mức cước 20c nhưng sử dụng 4 mẫu con Ó giá mặt 5c. Như vậy, mẫu con Ó 5c cũng được sử dụng tại Cochinchine từ rất sớm.

Thư quân đội gửi đi Pháp | Nhật ấn 2/3/1866 bưu cục CHOLEN | Mức cước 20c, dán bởi 4 tem Imperial Eagle 5c

Cũng là mức cước 20c nhưng bì thư dưới đây sử dụng một mẫu tem con Ó 20c.

Thư quân đội gửi đi Pháp | Nhật ấn 31/3/1867 | Dấu hủy CCH Sài Gòn | Mức cước 20c, dán bởi 1 tem Imperial Eagle 20c

Đối với thư có trọng lượng từ 10-20 grams, mức cước là 40c.

Thư quân đội gửi đi Pháp | Nhật ấn Saigon 31/7/1867 | Mức cước 40c áp dụng thư trọng lượng 10-20 grams, sử dụng 2 tem con Ó 20c

Cùng mức cước 40c, bì thư dưới đây sử dụng 4 tem con Ó giá mặt 10c.

Thư quân đội gửi đi Pháp | Nhật ấn 28/8/1864 | Dấu hủy CCH Sài Gòn | Mức cước 40c áp dụng cho thư 10-20 grams, dán bởi 4 tem Imperial Eagle 10c

Kể từ sau thời điểm 31/8/1871, cước thư quân đội gửi đi Pháp tăng từ 20c lên 25c cho 10 grams đầu tiên. Quy cách trọng lượng thư cũng có sự thay đổi, sau mốc 20 grams là 50 grams, các mốc tiếp theo cách nhau 50 grams thay vì 100 grams trước đó.

BẢNG 2: CƯỚC THƯ QUÂN ĐỘI GỬI ĐI PHÁP, ALGIERIA, THUỘC ĐỊA PHÁP GIAI ĐOẠN 1/9/1871 – 30/6/1876

Trọng lượng thưThư đã dán temThư chưa dán temThư bảo hiểm (Chargées)
Dưới 10 grams25c40c75c
Từ 10 đến 20 grams40c60c90c
Từ 20-50 grams70c100c120c
Từ 50-100 grams120c175c170c
Từ 100-150 grams170c250c220c
Mỗi 50 grams tiếp theo50c75c50c

Với mức cước 25c, cách kết hợp hay gặp là tem con Ó mệnh giá 5c với con Ó 20c.

2 mẫu Imperial Eagle 5c và 20c trên bì thư quân đội gửi từ Mỹ Tho đi Pháp vào năm 1872, mức cước cho bì thư này là 25c

Cùng mức cước 25c, bì thư dưới đây sử dụng năm mẫu tem con có 5c.

5 mẫu Imperial Eagle 5c trên một bì thư quân đội gửi từ Mỹ Tho đi Pháp năm 1872 | Dấu hủy tem CCH

Hoặc cũng có thể kết hợp tem con Ó 20c với tem Napoléon 5c.

Mẫu Imperial Eagle 20c và Napoléon trên một bì thư quân đội gửi từ Sài Gòn đi Pháp ngày 14/4/1873 | Dấu hủy tem CCH

Đối với thư trọng lượng thư từ 10-20 grams, cước gửi đi Pháp kể từ sau thời điểm 31/8/1871 vẫn là 40c.

Thư quân đội gửi đi Pháp | Nhật ấn 10/12/1871 | Dấu hủy CCH Sài Gòn | Mức cước 40c áp dụng cho thư 10-20 grams, dán bởi 1 tem Imperial Eagle 40c

Cùng mức cước 40c có thể dùng 2 mẫu con Ó giá mặt 20c.

Thư quân đội gửi đi Pháp | Nhật ấn 23/12/1872 | Dấu hủy CCH Sài Gòn | Mức cước 40c áp dụng cho thư 10-20 grams, dán bởi 2 tem Imperial Eagle 20c

2. Thư gửi nội địa.

Trường hợp thư quân đội gửi trong Cochinchine, mức cước là 10c.

Tem con Ó giá mặt 10c trên bì thư quân đội gửi từ Trà Vinh tới thị trấn Mõ Cày, Bến Tre năm 1870

CƯỚC THƯ THƯƠNG MẠI

BẢNG 3: CƯỚC THƯ THƯƠNG MẠI GỬI ĐI CÁC QUỐC GIA VÀ CHÂU LỤC TỪ 13/1/1863 TỚI 30/6/1876

Thư gửi đến  Gửi qua tàu bưu chính Pháp Gửi qua tàu bưu chính Anh
Cước thư trả trước Cước chưa thanh toán Thư có bảo hiểm (Chargées) Cước thư trả trước Cước chưa thanh toán Thư có bảo hiểm (Chargées)
Pháp, Algérie, Sainte-Marie 50c 60c 100c 70c 80c 140c
Thuộc địa Pháp Thuộc địa Pháp tại châu Mỹ 140c 150c 280c 140c 150c 280c
Nouvelle-Calédonie, Sénégal, Côte-d’Or, Gabon 140c 150c 280c 140c 150c 280c
Ấn Độ (vùng thuộc Pháp) 60c 70c 120c 140c 150c 280c
Quần đảo Marquises, Basses 170c 180c 340c 170c 180c 340c
Châu Âu Tây Ban Nha & Gibraltar ¹ 80c 160 320c 80c 160 320c
Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ, Đức, Áo, Ý, Anh, Malta, Bồ Đào Nha, đảo Açores & Madère 120c 120c 240c 120c 120c 240c
Moldova, Đan Mạch 150c 150c 300c 150c 150c 300c
Thụy Điển, Na Uy, Nga, Ba Lan, Hy Lạp 160c 160c 320c 160c 160c 320c
Châu Á Trung Quốc (trừ Thượng Hải), Nhật Bản (trừ Yokohama), Philippines, Thái Lan, Malacca ² 80c 80c 160c 170c 180c 340c
Thượng Hải, Yokohama, thuộc địa Anh tại châu Á ³ 80c 80c 160c 170c 180c 340c
Thổ Nhĩ Kỳ 120c 120c 240c 120c 120c 240c
Châu Phi Đảo Maurice Seychelles 80c 80c 160c 120c 120c 240c
Ai Cập, Tunisia 120c 120c 240c 120c 120c 240c
Châu Mỹ Hoa Kỳ 160c 160c 320c 160c 160c 320c
Brazil 160c 160c 320c 160c 160c 320c
Curacao & Guyane 160c 160c 320c 160c 160c 320c
Châu Đại Dương Malaysia, Indonesia, Brunei, quần đảo Mariana 80c 80c 160c 160c 160c 320c

Biểu cước trên áp dụng đối với thư trọng lượng dưới 10 grams hoặc mỗi 10 grams tăng thêm. Trước thời điểm 1/1/1864 áp dụng cho mỗi 7.5 grams. Phí bảo đảm cộng thêm 50c, mức phí 50c này áp dụng chung đối với cả thư thương mại và thư quân đội và giữ nguyên mức này cho tới 31/12/1875.

1 | Năm 1871 cột qua tàu Pháp lần lượt là 80c, 180c, 340c.

2 | Năm 1871 cột qua tàu Anh lần lượt là 160c, 160c, 320c.

3 | Năm 1871 cột qua tàu Anh lần lượt là 160c, 160c, 320c.

Dưới đây là một số hình ảnh minh họa về việc sử dụng tem con Ó trong cước thư dân sự:

Thư thương mại gửi đi Pháp có mức cước 50c, sử dụng tem con Ó 10c và 40c. Dấu nhật ấn Cochinchine – Saigon 6/2/1871 đóng trên phong bì; dấu hủy thuộc địa CCH đóng trên tem

Với 6 loại giá mặt nên có nhiều cách kết hợp để có mức cước 50c, bì thư dưới đây sử dụng hai mẫu tem con Ó giá mặt 20c + một mẫu con Ó 10c để thanh toán cước thư gửi đi Pháp vào năm 1865.

Kết hợp hai mẫu tem con Ó giá mặt 20c + một mẫu con Ó 10c để thanh toán cước thư 50c gửi đi Pháp vào năm 1865

Với trọng lượng thư từ 10-20g, cước thư thương mại gửi đi Pháp là 100c.

Tem con Ó giá mặt 80c trên bì thư, mức cước 100c áp dụng do trọng lượng thư từ 10-20 grams

Cước thư gửi đi một số quốc đảo tại châu Phi qua tàu Pháp là 80c (theo biểu cước bảng 3 ở trên). Bì thư dưới đây gửi tới thủ đô St. Louis, Mauritius (Maurice tiếng Pháp) sử dụng 4 tem con Ó giá mặt 20c để thanh toán mức cước phí 80c. Đây là một bì thư hiếm.

Thư gửi từ Sài Gòn tới St. Louis, Mauritius (Maurice) sử dụng 4 tem con Ó giá mặt 20c

Một bì thư khác cũng được gửi đi quốc đảo Maurice với mức cước 80c nhưng được dán bởi 2 tem con Ó mệnh giá 40c.

Thư gửi từ Sài Gòn tới St. Louis, Mauritius (Maurice) sử dụng 2 tem con Ó giá mặt 40c

Mẫu con Ó giá mặt 80c tương đối ít xuất hiện trên phong bì. Dưới đây là một bức thư thương mại được dán một tem con Ó giá mặt 80c và hai tem giá mặt 20c để thanh toán cước phí gửi đi Bỉ năm 1872 là 120c.

Thư gửi từ Sài Gòn tới Bỉ năm 1872 sử dụng tem con Ó giá mặt 80c và 2 tem giá mặt 20c | Tổng mức cước 120c

Một bì thư khác cũng được gửi đi Bỉ với mức cước 120c và sử dụng 6 tem con Ó giá mặt 20c.

Thư gửi từ Mỹ Tho tới Bỉ năm 1871 sử dụng 6 tem con Ó giá mặt 20c | Tổng mức cước 120c

Gửi đi Hoa Kỳ mức cước là 160c (xem bảng 3, phần gửi đi Châu Mỹ).

Thư gửi từ Sài Gòn tới Mỹ năm 1870 sử dụng 4 tem con Ó giá mặt 40c | Tổng mức cước 160c

Từ năm 1870-1871, thư gửi trong trong Cochinchine có 2 biểu cước: một biểu cước áp dụng đối với thư gửi trong cùng bưu cục (Ví dụ thư gửi trong Sài Gòn); và một biểu cước áp dụng đối với thư gửi khác bưu cục (Ví dụ gửi từ Trà Vinh tới Bến Tre).

Bì thư gửi khác bưu cục từ Mỹ Tho tới Sài Gòn ngày 20/9/1870 | Mức cước 20c, dán bởi tem con Ó mệnh giá 20c

Bì thư dưới đây được gửi đi Cambodge nhưng do yếu tố lịch sử lúc bấy giờ mà vẫn được tính là cước thư nội địa. Thư được gửi tới Coulas, Nam-Ton, pres Kay-Be, Cambodge. “pres” trong tiếng Pháp có nghĩa là “gần”. Kay-Be (Cao Beo) cách Mỹ Tho khoảng 10 dặm về phía Tây. Phải tới 1/1/1873 bưu cục tại Pnom-Penh mới được thành lập nên con dấu Mỹ Tho được sử dụng.

Thư thương mại gửi từ Mỹ Tho tới Kay-Be, Cambodge với mức cước 20c, sử dụng tem con Ó giá mặt 20c

VOIE FRANCAISE / VOIE ANGLAISE | THƯ QUA TUYẾN HÀNG HẢI CỦA PHÁP / ANH

Một số bức thư ở thời kỳ này các bạn sẽ thấy có dòng chữ viết tay “Voie française” hoặc “Voie anglaise” để phân loại thư gửi qua tuyến hàng hải của Pháp hay của Anh. Hiệp định bưu chính Pháp-Anh không còn hiệu lực từ 1/2/1862, cước thư gửi qua 2 tuyến hàng hải này là khác nhau, thường tuyến của Anh sẽ đắt hơn.

Thông tư 271 quy định tuyến đường vận chuyển thư từ Nam Kỳ tới Paris và các bưu cục Lyon, Marseille có thể được thực hiện qua 2 tuyến hàng hải của Pháp và của Anh qua kênh đào Suez.

Voie française – Thư quân đội gửi đi Pháp theo tuyến hàng hải của Pháp nên áp dụng mức cước 20c

Ngoài nhận diện bằng 2 chữ viết tay “Voie française” và “Voie anglaise”, con dấu đến cũng sẽ giúp bạn biết được đường thư đi theo hãng tàu của Pháp hay của Anh. Dưới đây là con dấu ETAB.F.INDE.PAQ.F được hải quân Pháp dùng từ 1857.

Thư gửi từ Tây Ninh năm 1868 theo tuyến hàng hải của Pháp, sử dụng tem con ó 20c

Hoặc các bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra điểm dừng chân Suez trong chuyến hải trình Yokohama ⇔ Marseille, những điểm dừng chân này được tôi trình bày trong bài post: Lịch sử Đông Dương | Tuyến hàng hải Maiseille Yokohama. Con dấu Suez sẽ chỉ cho bạn hải trình Á-Âu do công ty Messageries Maritimes đảm nhiệm, đây là một công ty của Pháp. Tất nhiên, các hãng tàu Anh cũng có hải trình qua kênh đào Suez.

Dấu COL.E.V.SUEZ PAQ.F.J của Pháp tại điểm dừng chân Suez trong tuyến hàng hải Yokohama ⇔ Marseille

Ở trên là những bì thư quân đội có chú thích “Voie française”. Có một điều chắc chắn là thư quân đội phải được gửi qua tàu Pháp mới được hưởng mức cước ưu đãi, do vậy mà các bạn sẽ không tìm thấy thư quân đội có chú thích “Voie anglaise”. Thư qua tuyến hàng hải Anh được bưu chính Pháp khai thác dành cho dòng thư thương mại.

“Voie anglaise” là thư gửi qua tuyến vận tải của Anh, thư gửi qua đây chịu mức cước phí cao hơn. Bì thư thương mại dưới đây nếu gửi qua tuyến hàng hải của Pháp thì 100c sẽ là đủ cước (xem bảng 3). Tuy nhiên, do gửi qua tuyến hàng hải của Anh nên mức cước phải là 70 x 2 = 140c mới đủ. Bưu điện đóng dấu “Ilsuffisant” không đủ cước ở góc dưới phong bì.

Voie Anglaise | Thư gửi đi Pháp qua tuyến hàng hải của Anh, do không đủ cước nên bưu điện đóng dấu Ilsuffisant

Cước thư thương mại dưới 10 grams gửi đi Pháp theo tuyến hàng hải của Anh là 70c như trong bì thư dưới đây. Cùng với trọng lượng như vậy nhưng nếu gửi theo tuyến hàng hải Pháp mức cước là 50c.

Voie Anglaise | Thư gửi đi Pháp qua tuyến hàng hải của Anh, mức cước là 70c, dán bởi 3 tem con Ó giá mặt 10c và 1 tem con Ó giá mặt 40c

THƯ BẢO HIỂM | CHARGÉ

Dịch vụ bảo hiểm thư tín xuất hiện từ khá sớm, nó khác với dịch vụ gửi thư bảo đảm ở chỗ khi một bức thư gửi có giá trị cao, người gửi sẽ chọn hình thức bảo hiểm phòng khi thư bị mất sẽ được đền bù theo giá trị khai báo. Còn đối với thư bảo đảm, mức đền bù sẽ không được cao như vậy. Phí bảo hiểm được tính theo giá trị khai báo, có lúc nó bao gồm trong cước phí gửi thư, có lúc thu bên ngoài cước phí. Bưu điện đóng dấu CHARGÉ để phân biệt với các loại thư thường. Có một thời gian bưu điện cấm gửi tiền hoặc các vật có giá trong bì thư, nhưng sau đó dịch vụ bảo hiểm thư tín phát triển và nó cho phép người gửi gửi tiền, chứng khoán, giấy tờ sở hữu, trang sức,..

Bì thư có bảo hiểm gửi đi Pháp ngày 14/10/1871 có mức cước 60c, nó được đóng dấu CHARGÉ lên mặt trước

Sự ì ạch trong hành chính công Pháp cũng như thời gian để vận chuyển công văn bằng đường biển dẫn tới độ trễ trong việc áp dụng tại các nước thuộc địa. Bì thư trên là một ví dụ điển hình, nó được gửi đi Pháp vào thời điểm 14/10/1871, đúng ra phải áp dụng biểu cước trong bảng 2 là 75c, nhưng vẫn áp dụng cước phí bảng 1 (giai đoạn trước 31/8/1871) là 60c. Tình trạng này thường xuyên xảy ra.

Mặt sau thư bảo hiểm CHARGÉ phải niêm phong bằng si ở 5 vị trí đúng như ở dưới đây để đảm bảo bì thư không bị bóc trước khi đến tay người nhận.

Mặt sau bì thư được niêm phong bằng si ở 5 vị trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Share via
Copy link
Powered by Social Snap