Giá mặt in trên tem là tiền bộ tài chính hay tiền ngân hàng?


Vào thời điểm phát hành bộ tem này, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa duy trì 2 đồng tiền song song là tiền Bộ Tài chính (sử dụng từ tháng 5/1947 tới tháng 6/1953) và tiền do Ngân hàng Quốc gia phát hành (bắt đầu lưu hành từ tháng 5/1951 và thống nhất sử dụng trên toàn quốc vào tháng 6/1953). Những mẫu tem không in đè phát hành trong giai đoạn 1951-1952 giá mặt tính theo đơn vị tiền của Bộ Tài chính, còn những mẫu tem in đè lại giá mặt có đơn vị tiền tệ tính theo tiền Ngân hàng Quốc gia phát hành.

THỰC GỬI THEO GIÁ TIỀN BỘ TÀI CHÍNH

Một trong những thực gửi sớm nhất trên bộ tem này được nhìn thấy vào tháng 8/1952. Lúc này mức cước thư gửi trong nước là 200đ (tính theo tiền Bộ tài chính), trên phong bì mới dán 1 tem 100đ, do vậy bị đóng dấu phạt và nhân viên bưu điện ghi phụ thu thêm 100đ bằng chữ viết tay bên cạnh dấu phạt.

Mẫu 100đ xanh không răng trên bì thư thực gửi tháng 8/1952, dấu đỏ L trên phong bì tôi cho rằng không phải là dấu kiểm duyệt mà là con dấu nhận biết riêng của người bán, trong trường hợp trả lại họ chắc chắn rằng đó là phong bì của họ bởi chỉ có người bán mới có con dấu này.

Lạm phát phi mã đã khiến cho giá cước tăng lên nhanh chóng, chỉ trong vòng một tháng, tới tháng 9/1952, cước thư trong nước tăng lên 400đ Bộ tài chính. Dưới đây là 2 mảnh vỡ của bì thư gửi từ vùng kháng chiến Thái Nguyên và Bắc Kạn, nơi mà Việt Minh nắm quyền kiểm soát.

Thái Nguyên 1952 | 400đ tài chính

Bắc Kạn 1952 | 400đ tài chính

Dường như mức cước không ngừng tăng khi mà các mảnh vỡ cho thấy ngày càng phải dán nhiều tem hơn.

Mảnh vỡ có mức cước 800đ, thư gửi từ Diễn Châu, Nghệ An, vùng đất Việt Minh nắm được nhiều quyền kiểm soát

Mảnh vỡ mức cước 900đ, dấu tròn có chữ Bưu điện cục nhưng không rõ là của địa phương nào

1.000đ là mức cước trong nước cao nhất dưới thời tem V.N.D.C.C.H sử dụng tiền Bộ tài chính làm giá mặt. Sau khi chuyển đổi sang tiền ngân hàng vào tháng 6/1953, 10 đồng tài chính đổi ăn 1 đồng ngân hàng, mức cước trong nước chuyển sang 100đ.

Thư gửi từ Hà Tĩnh, dấu vuông 19/12/1952 tới Hà Nam, dấu 2 vành ở trên là chữ Bưu điện VTD Việt Nam. Bên trong ghi phòng Bình Lục

Bì thư gửi từ Hà Đông tới Lương Sơn, Hòa Bình. Dấu 2 vành mực đỏ Bưu điện Hà Đông, phòng Chương Mỹ ngày 12/8/1953

Dù cuối năm 1954 in đè lại giá tiền nhưng vẫn có rất nhiều tem tiếp tục sử dụng làm cước thư cho tới năm 1955, trong trường hợp không có sẵn tem in đè giá tiền đề dán thì tem cũ chỉ được tính giá cước 1/10. Dưới đây là mảnh thư trên giấy phục hồi, dấu hủy tem không rõ địa danh, chỉ có dòng chữ “BUU ĐIEN VTD VIET NAM | VTD viết tắt của chữ Vô Tuyến Điện”, dấu đến mặt sau Hà Nội ngày 25/9/1955. Thời điểm gửi là năm 1955 nhưng vẫn sử dụng mẫu tem không in đè lại giá tiền.

Cước thư gửi trong nước năm 1955 là 100đ, bì thư trên cần được dán 5 tem x 200đ =1.000đ tiền Bộ Tài chính để đủ cước 100đ tính theo tiền ngân hàng. Mặc dù vậy chỉ được dán giá cước 400đ.

Tem chết thực gửi theo giá tiền Bộ Tài chính

Tem chết thực gửi theo giá tiền Bộ Tài chính

Dấu thực gửi Hải Dương

Dấu bưu điện cục: chữ “BƯU ĐIỆN VIỆT NAM” phía trên và chữ “TRẠM” ở dưới. Ô để viết ngày tháng của dấu bưu cục cũng được để trống. Dấu hủy tháng 3/1955

THỰC GỬI THEO GIÁ TIỀN NGÂN HÀNG

Việc thay đổi lại giá tiền trên bộ tem này cho tới cuối năm 1954 mới được thực hiện, cả 3 mẫu tem phát hành trong giai đoạn 1951-1952 được in lại theo giá tiền của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trong đó 1 đồng tiền Ngân hàng quy đổi = 10 đồng Bộ tài chính đã phát hành trước đó.

Tem chết thực gửi theo giá tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam

Sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, việc gửi thư từ trao đổi diễn ra hơn thời kỳ kháng chiến gấp nhiều. Lượng bì thư thực gửi do vậy cũng nhiều hơn, bì thư giai đoạn này đã không còn hiếm như giai đoạn 1951-1953.


Bài viết này tôi viết dành để chia sẻ và tặng tới những người yêu thích tem. Tôi luôn để mở và không nghiêm cấm hành vi copy, sao chép nội dung hay ảnh từ bài viết này. Các bức ảnh cũng được tôi scan nguyên gốc từ trong bộ sưu tầm và tôi cũng không ký hay đóng dấu tên cá nhân của mình lên tất cả các bức ảnh.

Các bạn sưu tầm tem về chủ đề này cũng đừng ngần ngại liên hệ tới tôi để được trợ giúp về cách chơi dòng tem này, cách phân biệt thật giả cũng như xác định giá trị từng con tem.

Email: collectvn@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

0 Shares
Share via
Copy link
Powered by Social Snap