Con dấu Par Avion của tư nhân rất đa dạng, có trường hợp định danh được công ty, có trường hợp không. Dưới đây là một ví dụ về dấu par avion của tư nhân.
Trong bì thư trên, con dấu Par Avion không có trong tài liệu của Desrousseaux.
Theo phân tích của tôi, trên bì thư đã có nhãn hàng không (màu ghi, dạng E5 Desrousseaux) của bưu điện nên việc đóng thêm một dấu Par Avion nữa là không cần thiết. Còn chữ Par Avion màu tím do người gửi tự đánh máy.
Mặt khác, đây cũng không phải là dấu Par Avion tại một bưu cục nào đó bởi chỉ có duy nhất một bưu cục Hà Nội R.P. ở đây. Thư được gửi từ Hà Nội với dấu nhật ấn ngày 7/1/1939. .
Tình cờ tôi tìm thấy một bì thư của ngân hàng Franco-Chinoise sử dụng dấu Par Avion khá giống với bì thư trên, cùng được gửi đi từ Hà Nội với con dấu Hanoi R.P ngày 31/8/1939. Sự trùng hợp tới lạ kỳ giúp tôi suy luận rất có thể bì thư trên cũng được gửi đi từ ngân hàng Franco-Chinoise và đây là con dấu Par Avion riêng của ngân hàng này.
Banque Franco-Chinoise cũng là một tổ chức lớn và họ tạo ra con dấu riêng giúp thư của ngân hàng được nhận diện tốt hơn. Chi nhánh của ngân hàng này tại Sài Gòn cũng sử dụng một dấu Par Avion riêng. Tôi xin giới thiệu ở phần sau.
Phần này tôi viết để giúp các bạn chơi chuyên về dấu Par Avion. Một con dấu độc và lạ là điều ai cũng muốn có trong bộ sưu tập của mình. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó bạn phát hiện ra con dấu đó không phải là dấu của bưu điện. Tốn tiền mua là đương nhiên rồi, tôi cũng từng trải qua vấn đề này. Vậy tại sao chúng ta không tìm hiểu trước khi mua, và đây cũng là mục đích ở bài viết này tôi muốn dành cho các bạn.